Phòng chống tai nạn thương tích là nhóm kỹ năng sống cực kỳ quan trọng cần trang bị cấp thiết cho trẻ. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tình trạng thoát khỏi đám cháy; kĩ năng phòng chống xâm hại, bắt cóc,…

Gần đây, chúng ta liên tục thấy xuất hiện trên báo chí, trên các buổi thời sự, thông tin mạng… những thông tin về những vụ hỏa hoạn, tình trạng trẻ nhỏ bị bắt cóc, trẻ đuối nước; đau lòng thời gian qua khiến lòng người nhức nhối. May mắn thay, được sự quan tâm của ban giám hiệu ba trường mầm non Song Phượng, mầm non Huyện, mầm non Đan Phượng… chiều nay, ngày 19/9/2024 ba nhà trường đã tổ chức buổi tập huấn về phòng chống tai nạn thương tích cho 100% giáo viên, nhân viên ba nhà trường với sự tham gia của các cán bộ thuộc Trung tâm Phòng chống tai nạn thương tích thuộc Hội Bảo trợ quyền trẻ em Việt Nam.

Trong không gian rộng rãi của phòng hội đồng trường mầm non Đan Phượng, 100%  cán bộ giáo viên, nhân viên  thuộc ba nhà trường đã tham gia đầy đủ. Một màn hình  lớn đặt ngay giữa phòng thu hút mọi ánh nhìn bởi những hình ảnh ấn tượng, những phóng sự nóng hổi được trình chiếu. Chất giọng truyền cảm của anh Đinh Văn Hưng – Giám đốc học viện an toàn Việt Nam– những giáo viên đứng lớp – những người mẹ trong gia đình đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Từng câu hỏi phát vấn được đưa ra nhanh chóng phát hiện “lỗ hổng” trong ngay hiểu biết của chúng tôi và “lấp đầy” bằng những tri thức, kĩ năng vô cùng hữu ích.

 

Ngay phần đầu tiên của buổi tập huấn, chúng tôi đã được hướng dẫn kĩ năng an toàn khi thoát khỏi đám cháy. Không chỉ một vài mà khá nhiều cô giáo đã ồ lên ngạc nhiên khi nhận ra dấu hiệu đám cháy như thế nào… Chúng tôi được tìm hiểu về các kĩ năng thoát khỏi đám cháy. Lại thêm những tiếng xuýt xoa khi được hướng dẫn cách cứu người bị đuối nước, sơ cứu người bị ngạt nước, ngạt khói. Chúng tôi đã được xem khá nhiều những đoạn video về cảnh sơ cứu sai cách khiến nạn nhân tử vong nhanh hơn và nhận thấy đâu đó ngay xung quanh chúng ta còn có rất nhiều những trường hợp đáng tiếc thế xảy ra.

Ngay sau đó chúng tôi được hướng dẫn cụ thể bằng những hình ảnh trực quan, bằng minh họa cụ thể trước mắt cách ép tim, cách hà hơi thổi ngạt, cách kiểm tra mạch tượng, mạch quay, … Những kĩ năng tưởng chừng như ai ai ở lứa tuổi chúng tôi cũng biết lại hóa ra mới mẻ và thú vị đến như vậy. Qua phần này chúng tôi biết được khá nhiều nội dung và kinh nghiệm sống thực tế bổ ích. Cụ thể:

  • Cách tiếp cận và cứu người đuối nước; cách xử lí khi bị người đuối nước nhấn chìm theo bản năng của họ.
  • Cách kiểm tra mạch của nạn nhân đuối nước, ngạt khói,…
  • Cách ép tim, hà hơi thổi ngạt đúng.

Ở các nội dung tiếp theo của buổi tập huấn, chúng tôi tiếp tục được tìm hiểu thêm về:  Cách phòng tránh bắt cóc…Chúng tôi được hướng dẫn cách dạy trẻ nhận diện đối tượng bắt cóc hoặc xâm hại; các cách đối tượng xấu thường xử dụng để tiếp cận với mục đích bắt cóc, xâm hại. Chúng tôi được trang bị thêm kiến thức về dạy trẻ những kĩ năng cần thiết trong trường hợp bị bắt cóc hoặc xâm hại vô cùng hữu ích như kĩ năng hét to hét dài để kêu cứu, kĩ năng thoát bị kéo tay lôi đi, kĩ năng thoát khi bị ôm từ phía sau, kĩ năng thoát khi bị túm tóc, …

Có tham gia buổi tập huấn mới thật sự mở mang được nhiều tri thức cũng như trang bị, củng cố thêm những kĩ năng cần thiết trước hàng loạt tai nạn thương tích như té ngã, hỏa hoạn, đuối nước, điện giật, bỏng,… Tai nạn thương tích quả là có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu, chỉ cần một chút xíu lơ là của người lớn và sự ham vui, tinh nghịch của tuổi trẻ là nỗi đau đều có thể ập đến, day dứt không nguôi.

Những cái rụt vai lè lưỡi, những tiếng xuýt xoa đã vang lên trong chính chúng tôi khi nhìn những hình ảnh trần trụi về tai nạn, về đám cháy, những câu chuyện thương tâm được kể qua người thật, việc thật. Và nhiều kỹ năng thiết thực được hướng dẫn chi tiết đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của chúng tôi.

Kết thúc buổi tập huấn khi kim đồng hồ chỉ 18giờ 45 phút nhưng toàn thể giáo viên vẫn còn nán lại trao đổi thảo luận. Tất cả cùng có chung một điều trăn trở: Giá như các buổi tập huấn bổ ích này được tổ chức thường xuyên và quy mô hơn cho chính các em học sinh, cho các bậc phụ huynh để nâng cao nhận thức bảo vệ sự an toàn cho con trẻ thì có lẽ sẽ bớt đi được nhiều giọt nước mắt hơn….Và mỗi người trong chúng tôi đều tự nhủ sẽ lồng ghép, tích hợp giáo dục kỹ năng sống nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa vào các hoạt động

Một số hình ảnh trong buổi tập huấn: